Chè đắng được chế biến từ lá non của cây chè đắng tại các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Cạn, Hòa Bình. Ở Trung Quốc, chè đắng được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước, gọi là “khổ đinh trà”. Để làm thuốc, lá chè đắng sau khi thu hái đem về tãi mỏng, phơi nắng nhẹ hoặc sấy nhỏ lửa cho khô. Khi dùng sao khô cho thơm.
Theo Đông y, chè đắng là loại thuốc có vị đắng và rất lạnh (đại hàn), lợi vào 3 kinh Can, Phế và Vị; có tác dụng tán phong nhiệt (giải nhiệt), thanh đầu mục (tỉnh táo đầu óc), trừ phiền khát; dùng chữa đau đầu, đau răng, đau mắt đỏ, ù tai, nặng tai, kiết lỵ…
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, chè đắng có tác dụng kích thích tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa cao huyết áp, hạ mỡ máu, trợ tim, an thần, sát khuẩn, chống viêm, bảo vệ gan, giải độc, lợi mật, lợi tiểu …
– Dùng độc vị: Lá chè đắng phơi khô ủ cho mềm, cuộn lại như tổ sâu kèn, bảo quản dùng dần. Ngày dùng 1-2g (tương đương với 1- 2 lá đã cuộn tổ), hãm với nước sôi trong bình kín, uống cho đến khi nước chè loãng thì thôi.
Chè đắng cuộn lại như tổ sâu kèn
– Dùng phối hợp: Lá chè đắng và lá bạch quả lượng 2 thứ bằng nhau, tán bột mịn, trộn đều, mỗi lần dùng 1g, pha uống như trà.
Chè đắng thuộc nhóm thuốc “thanh nhiệt tả hỏa”, nên dễ gây tổn thương dương khí và ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của tỳ vị.
Một số trường hợp sau không nên dùng chè đắng:
3.1. Người thể chất hư hàn (dương hư)
Đặc điểm của người thể chất hư hàn là sợ lạnh, chân tay lạnh, tinh thần uể oải, người mệt mỏi, sắc diện nhợt nhạt, vã mồ hôi (tự hãn), tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng nhão, đau bụng tiêu chảy; chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng …
Người thể chất hư hàn sau khi uống lá chè đắng có cảm giác lạnh lên nhiều, dễ bị đau bụng tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
3.2. Người bị bệnh dạ dày
Người bị viêm dạ dày mạn tính, Đông y gọi là “tỳ vị hư hàn”, thường có những biểu hiện rất dễ bị đau bụng tiêu chảy khi bụng bị nhiễm lạnh hoặc ăn thức ăn có tính lạnh. Uống chè đắng, sẽ khiến các chứng trạng bệnh dạ dày càng thêm trầm trọng.
Người bị viêm dạ dày không nên dùng chè đắng
3.3. Người bị cảm lạnh
Người bị cảm lạnh mà lại uống chè đắng, ắt sẽ cản trở quá trình phát tán phong hàn, sẽ khiến bệnh kéo dài, hoặc có thể dẫn đến những biến chứng ngoài sự mong muốn.
3.4. Phụ nữ có bệnh thống kinh
Cơ thể phụ nữ trong thời kỳ có kinh, đang ở trong trạng thái mất máu, sức đề kháng của cơ thể suy giảm. Nếu uống chè đắng, một loại nước uống có tính đại hàn, dẫn tới tình trạng khí huyết ngưng kết khó bài xuất ra ngoài, gây nên thống kinh (đau bụng khi hành kinh), thậm chí có thể gây rối loạn kinh nguyệt.
Những phụ nữ bị mắc bệnh thống kinh, ngay cả trong những ngày bình thường, khi không có kinh, nói chung cũng không nên sử dụng chè đắng.
3.5. Người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ sau sinh…
Người cao tuổi dương khí đã suy, hoặc trẻ nhỏ dương khí vẫn còn non nớt, nói chung không nên uống chè đắng, vì uống chè đắng vào, dễ dẫn đến những tác dụng phụ bất lợi, như rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng tiêu chảy.
Phụ nữ vừa mới sinh con, cơ thể suy nhược, chè đắng có tính đại hàn, không những không có lợi đối với sự phục hồi của tử cung, mà còn có thể gây tổn thương tỳ vị dẫn đến tình trạng lạnh bụng, đau bụng, tiêu hóa yếu
Cuối cùng, cũng nên lưu ý, thực nghiệm trên động vật cho thấy, chè đắng có tác dụng chống thụ thai ở chuột, với hiệu suất lên tới 80%. Do đó phụ nữ có thai hoặc chuẩn bị có thai không dùng chè đắng.
Những vấn đề về sức khỏe có thể gặp khi bị thiếu máu, thiếu sắt I SKĐS