Con đười ươi đực Sumatra có tên là Rakus sống tại Suaq Balimbing (rừng nhiệt đới ở Indonesia) bị thương dưới mắt phải. Vết thương có vẻ là kết quả cuộc chiến với một con đực khác.
Sau khi bị thương, con đười ươi đã làm một việc khiến các nhà khoa học chú ý. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy Rakus điều trị vết thương bằng cách sử dụng loại lá cây Hoàng đằng.
Theo nhà linh trưởng học và nhà sinh học nhận thức Isabelle Laumer của Viện hành vi động vật Max Planck ở Đức, con đười ươi nhai lá cây lấy nước bôi lên vết thương. Sau đó, nó đắp bã lên trên, trông như bác sĩ dán gạc.
Hoàng đằng, loại cây thường xanh có tên khoa học là Fibraurea tinctoria, sinh trưởng ở khu rừng ngập nước, địa bàn của khoảng 150 con đười ươi Sumatra. Hoàng đằng phân bố khắp Trung Quốc, Đông Nam Á và được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị các triệu chứng sốt rét.
Laumer, tác giả chính của nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports, cho biết thêm: Bình thường, hiếm khi đười ươi ăn lá Hoàng đằng nhưng hôm đó Rakus đã ăn.
Caroline Schuppli, nhà sinh học tiến hóa tham gia nghiên cứu, cho biết: “Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là ghi nhận đầu tiên về việc động vật hoang dã điều trị vết thương bằng thực vật có dược tính”.
Các nhà nghiên cứu cho biết việc tự điều trị vết thương của đười ươi dường như không phải là ngẫu nhiên.
“Hành vi của nó có vẻ là cố ý. Nó chọn đúng vết thương bên phải mặt để bôi thuốc chứ không bôi bừa vào vị trí khác. Hành vi này lặp đi lặp lại nhiều lần. Không chỉ bôi nước lá mà còn đắp cả bã che kín vết thương. Toàn bộ quá trình mất một khoảng thời gian đáng kể”.
Vết thương sau đó không có dấu hiệu nhiễm trùng và lành lại trong vòng 5 ngày.
Schuppli nói: “Quan sát cho thấy rằng năng lực nhận thức cần thiết cho hành vi – điều trị vết thương bằng lá thuốc – có thể lâu đời như tổ tiên chung cuối cùng của đười ươi và con người. Tuy nhiên, những khả năng nhận thức này chính xác là gì vẫn còn phải được nghiên cứu. Dù quan sát này cho thấy đười ươi có khả năng điều trị vết thương bằng lá thuốc, chúng tôi không biết chúng hiểu được quá trình này ở mức độ nào.”
Laumer nói thêm: “Có thể việc điều trị vết thương bằng lá Hoàng đằng được biết đến nhờ phát hiện tình cờ của từng cá nhân. Một con đười ươi có thể vô tình làm nước lá dính vào vết thương khi đang ăn lá Hoàng đằng. Nhưng cũng có thể Rakus đã học được hành vi này từ những con đười ươi khác ở nơi nó sinh ra.”
Tổ tiên chung cuối cùng của đười ươi và con người sống cách đây khoảng 13 triệu năm. Đười ươi là loài có quan hệ xa nhất với con người nhưng vẫn có chung khoảng 97% DNA.
– Theo Reuter –