Các loại trà hạ huyết áp thường có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, giáng khí… Những tác dụng này trong ngắn hạn có thể giúp mau chóng hạ huyết áp tuy nhiên lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng tỳ vị, làm tổn hao dương khí, dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, đầy bụng, chán ăn, đại tiện nát, lâu hơn nữa thậm chí có thể dẫn đến người lạnh, chân tay lạnh, chịu lạnh kém…
Đặc biệt nếu sử dụng những loại trà này vào mùa Xuân là đang đi trái lại thời khí của đất trời.
Vì những lý do ấy, đa phần các loại trà thảo mộc có tác dụng hạ áp thông thường không thể sử dụng lâu dài, đặc biệt với người cao tuổi, người tăng huyết áp trên nền thể trạng hư nhược, bệnh lâu ngày.
Đông y trị bệnh phân ra hư thực. Hư là chính khí hư nhược. Thực là tà khí có thừa. Hư phải tả khiến cho tà khí vơi bớt đi. Thực phải bổ giúp cho chính khí mạnh mẽ hơn.
Tăng huyết áp theo Đông y cũng có hư có thực. Tăng huyết áp do thực có thể dùng những loại trà có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, giáng khí mà khiến cho huyết áp giảm. Tăng huyết áp do hư thì những loại trà này không những không có tác dụng, mà còn làm khí chân nguyên hao tổn, dẫn đến nhiều biến chứng khác.
Trà đỗ trọng tang ký sinh dùng đỗ trọng và tang ký sinh làm chủ dược, hạ huyết áp mà không làm tổn hại chính khí, còn bồi bổ can thận, rất thích hợp với người hư nhược và người cao tuổi.
Tăng huyết áp gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.
– Tác dụng của đỗ trọng
Đỗ trọng có vị ngọt, tính ấm, nhập kinh can, có tác dụng làm mạnh lưng gối, nhuận can, bổ can, thận, cường cân cốt, đông y thường dùng đỗ trọng điều trị các chứng lưng gối đau mỏi, an thai, tiểu tiện không hết bãi.
Nghiên cứu y học hiện đại còn nhận ra đỗ trọng ngoài những tác dụng trên còn có tác dụng hạ mỡ máu, điều trị tăng huyết áp. Có nghiên cứu chỉ ra rằng đỗ trọng có khả năng hạ huyết áp rõ ràng đặc biệt trên những bệnh nhân rối loạn chuyển hóa lipid.
Cây và vị thuốc đỗ trọng.
Tác dụng của tang ký sinh
Tang ký sinh là tầm gửi trên cây dâu. Theo đông y, tang ký sinh có vị đắng, ngọt, tính bình, nhập kinh can, thận, có tác dụng bổ cân cốt, tán phong thấp giúp mạnh gân xương, chắc răng, dài tóc, trị lưng gối đau mỏi, đau đầu chóng mặt, băng lậu, an thai, xuống sữa.
Nghiên cứu dược lý hiện đại chỉ ra tang ký sinh có tác dụng trong việc điều trị các bệnh lý thuộc hệ cơ xương khớp, kích thích sự tạo máu, và có tác dụng điều trị tăng huyết áp khi phối hợp cùng các dược liệu khác.
Vị thuốc tang ký sinh, là loài cây ký sinh trên cây dâu tằm.
Thành phần: Đỗ trọng 12g, tang ký sinh 12g, cúc hoa 12g, câu kỷ tử 12g, đại táo 5 quả.
Cách làm: Các vị thuốc trên cho thêm khoảng 500ml nước, sắc trong 20 phút, bỏ bã lấy nước uống.
Tác dụng: Bài trà trên dùng đỗ trọng, tang ký sinh, phối hợp thêm một số vị thuốc có tác dụng hạ huyết áp như cúc hoa, kỷ tử, dưới tác dụng hiệp đồng sẽ giúp tăng cường khả năng hạ áp.
Người cao tuổi, người bệnh lâu dài có thể sử dụng loại trà này hằng ngày, không chỉ có tác dụng hạ huyết áp, mà còn có thể bồi bổ can thận, nâng cao thể trạng.
Xẹp phổi, vôi hoá màng phổi di chứng nặng nề của lao phổi | SKĐS